Menu

TP HCM Tiếng còi xe cứu thương hú không ngừng ngày đêm trên con đường dẫn vào bệnh viện dã chiến số 1 và 3 - nơi có đến hơn 4.500 F0, nhưng lượng bệnh nhân trở nặng cần chuyển tuyến vẫn còn quá nhiều.

Nam bệnh nhân ở Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 3 (khu nhà tái định cư phường An Khánh, TP Thủ Đức) bất ngờ trở nặng, đêm 16/7. Các bác sĩ vừa đo mạch, huyết áp, nồng độ oxy trong máu, hỗ trợ cho thở oxy cho bệnh nhân, vừa gọi xe cấp cứu chuyển bệnh tới cơ sở điều trị Covid-19 tuyến trên. Nhưng hơn 10 phút sau, xe mới có mặt do đang trên đường chuyển F0 từ khu cách ly tập trung về bệnh viện và ngược lại.

"Ngày nào chúng tôi cũng trải qua những tình huống thót tim như vậy. Bệnh viện chỉ có hai xe cứu thương trong khi mỗi ngày có 7-10 ca trở nặng phải chuyển đi", bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 3, nói.

Bệnh viện đang điều trị gần 2.100 bệnh nhân. Hai xe cứu thương có nhiệm vụ khẩn luôn đặt lên hàng đầu là vận chuyển người trở nặng, song còn phải đón F0 từ khu cách ly tập trung về; chuyển bệnh nhân giữa các khu; chuyển mẫu xét nghiệm, trang thiết bị vật tư y tế... nên dù hoạt động 24/24h vẫn không thể hết việc.

"Chúng tôi đã đề nghị mua thêm xe cứu thương nhưng tình hình dịch nghiêm trọng thế này, bệnh viện nào cũng thiếu, sẽ rất khó", bác sĩ Khanh nói.

Nhân viên y tế cấp cứu cho bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng đột ngột trở nặng trưa 13/7, tại bệnh viện dã chiến số 4 trước khi chuyển lên tuyến trên điều trị tích cực. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Có nhiệm vụ thu dung khoảng 4.500 bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, song Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 1 (ký túc xá Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, thuộc Đại học Quốc gia TP HCM, Bình Dương) cũng chỉ có hai xe cứu thương. Bốn tài xế luân phiên điều khiển xuyên suốt ngày đêm không nghỉ.

Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, cho biết mỗi ngày bệnh viện có 15-30 F0 bất ngờ chuyển nặng. Nhiều lần xảy ra tình huống xe cứu thương vừa rời khỏi, đưa bệnh nhân lên tuyến trên, thì có bệnh nhân khác tiếp tục trở nặng. Xe không thể quay lại nên bệnh nhân buộc phải chờ. Để tiết kiệm thời gian, bác sĩ sắp xếp 2-3 bệnh nhân đi chung một xe nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế vì theo quy định mỗi xe chỉ được chuyển một bệnh nhân.

Mới đây, có doanh nghiệp cho bệnh viện mượn 4 ôtô 16 chỗ ngồi nhưng thiết kế loại xe này không an toàn để phục vụ vận chuyển F0, không thể trang bị thiết bị cấp cứu, không có tấm chắn giữa tài xế và phía sau... "Chỉ những trường hợp cực kỳ khẩn cấp bệnh viện mới trưng dụng để chở F0, sau đó phải khử khuẩn kỹ càng", ông Tâm nói.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ. Giám đốc, bác sĩ Lê Mạnh Hùng, cho biết bệnh viện trước nay chỉ có chiếc xe cứu thương đã hơn 10 năm tuổi, không thể kết nối được với trang thiết bị cần cấp cứu cho người bệnh nặng nên chỉ dùng chuyển các F0 suy hô hấp, hỗ trợ thở oxy.

"Với người bị nặng hơn, chúng tôi buộc phải liên hệ và chờ đợi hỗ trợ từ Trung tâm Cấp cứu 115", bác sĩ Hùng nói. Tuy nhiên, xe của Trung tâm Cấp cứu 115 cũng đang hoạt động hết công suất, quãng đường từ trung tâm thành phố xuống tới Cần Giờ đến 60-70 km, phải mất 2-3 giờ. "Với bệnh nhân nặng, phải chờ đợi lâu như thế sẽ ảnh hưởng đến thời gian vàng can thiệp điều trị".

Hôm 16/7, trước việc gia tăng lượng bệnh nhân nặng, bệnh viện phải mượn một chiếc xe cấp cứu của Chợ Rẫy để chuyển người bệnh phải thở máy đến các nơi điều trị Covid-19 chuyên sâu như Bệnh Nhiệt đới hay Trung tâm Hồi sức Covid-19. "Chúng tôi không đòi hỏi gì nhiều, chỉ mong có thêm một chiếc xe cứu thương để chuyển F0 nặng đến bệnh viện tuyến trên để can thiệp kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ tử vong", bác sĩ Hùng chia sẻ.

Xe cứu thương đưa bệnh nhân F0 từ các khu cách ly tập trung, cách ly tạm... đến bệnh viện dã chiến số 1 cách ly điều trị. Ảnh: Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm.

Hai ngày trước, Sở Y tế ủy quyền cho Trung tâm Cấp cứu 115 chịu trách nhiệm điều phối, đưa F0 đến các bệnh viện chuyên cách ly, điều trị Covid-19 phù hợp, "không để người bệnh lưu tại địa phương quá 12 giờ". Sở cũng huy động các bệnh viện tư nhân, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn hỗ trợ xe cứu thương vận chuyển F0.

Xe cấp cứu tại TP HCM hiện nay ưu tiên vận chuyển người bệnh có triệu chứng, triệu chứng nặng hoặc nguy kịch đến các bệnh viện điều trị Covid-19, bệnh viện hồi sức chuyên sâu, như Trưng Vương, Chợ Rẫy, Bệnh Nhiệt đới... hay Trung tâm Hồi sức Covid-19, tương ứng với các cơ sở điều trị theo mô hình "tháp 4 tầng". Riêng ở tầng thứ nhất, xe của Trung tâm Cấp cứu 115 thường trực tại 11 bệnh viện dã chiến 24/7, để chuyển bệnh nhân chuyển nặng đến bệnh viện tầng trên kịp thời.

Do số bệnh nhân quá đông, số xe cứu thương ít, từ cuối tháng 6, Sở Y tế và Sở Giao thông Vận tải đã huy động 200 xe khách chuyên dụng vận chuyển F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Các xe này có kết cấu khoang riêng biệt giữa người bệnh và nhân viên y tế và tài xế. Số lượng và chủng loại xe đa dạng đáp ứng theo nhu cầu số lượng người cần vận chuyển.

Tài xế tham gia vận chuyển được tiêm vaccine phòng Covid-19, được huấn luyện và cấp giấy chứng nhận sử dụng trang phục phòng hộ, vệ sinh khử khuẩn phương tiện, thiết bị theo phương tiện vận chuyển, tuân thủ các quy định phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19. Ngoài ra, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế và tài xế ngoài ngành y cũng tình nguyện tham gia vận chuyển F0 tại TP HCM.

Hyundai Ngọc An là một đại lý chuyên cung cấp mẫu xe cứu thương được nhập khẩu nguyên chiếc từ Hàn Quốc. Nếu các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, các phòng khám hay bệnh viện có nhu cầu mua xe cứu thương Hyundai Starex trung chuyển bệnh nhân lên cơ sở điều trị Covid có thể tham khảo mẫu xe này tại đây:

Nguồn: Thư Anh (https://vnexpress.net/thieu-xe-cuu-thuong-covid-19-4325966.html)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top